CÁCH SỬ DỤNG ỨNG DỤNG GPAY AN TOÀN, HIỆU QUẢ, PHÒNG TRÁNH GIAN LẬN, LỪA ĐẢO
Một số lưu ý giúp khách hàng sử dụng ứng dụng Gpay an toàn, phòng tránh tối đa gian lận và lừa đảo.
1. Tuyệt đối không click vào tin nhắn đáng ngờ
Khách hàng lưu ý tuyệt đối không click vào tin nhắn đáng ngờ, đặc biệt những tin nhắn không phải từ Gpay.
Các tin nhắn giả mạo thường đến từ một số điện thoại di động với nội dung yêu cầu bạn nhập tên đăng nhập và mật khẩu vào một trang web mô phỏng lại giao diện của Gpay để lừa đảo khách hàng.
Quý khách lưu ý không click vào các đường link lạ trong tin nhắn, chỉ đăng nhập Gpay trên app Gpay.
2. Không chia sẻ OTP với bất kỳ ai
OTP (one-time-password) là mã xác thực giao dịch, thường có 6 chữ số ngẫu nhiên. OTP chỉ được sử dụng một lần và sẽ được gửi tới bạn qua SMS. Có mã OTP là giao dịch như chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, đổi mật khẩu… sẽ được thực hiện thành công.
Gpay không bao giờ yêu cầu khách hàng cung cấp mã xác thực OTP 6 chữ số này. Nếu có thông tin nào yêu cầu bạn cung cấp OTP bạn cần cảnh giác vì có thể là thủ đoạn lừa đảo. Trong trường hợp trên xảy ra, hãy gửi thông tin số điện thoại liên lạc đó cho công an để điều tra, và tiến hành đổi ngay mật khẩu ứng dụng Gpay của bạn. Đồng thời, tìm hiểu những lý do đáng ngờ nào khiến mình có thể đã để lộ thông tin.
3. Tuyệt đối không truy cập các website lạ
Không nên truy cập các website độc hại và không rõ nguồn gốc. Các website này có thể lén cài virus, cài đặt phần mềm độc hại vào máy tính và điện thoại của bạn để đánh cắp thông tin cá nhân như mật khẩu, thông tin truy cập ứng dụng Gpay v.v...
Ngoài ra, kẻ gian còn tinh vi hơn khi xây các website giả mạo gần giống với giao diện Gpay để lừa khách hàng cung cấp username và mật khẩu.
Vì vậy, bạn hãy thật tỉnh táo khi truy cập và đăng nhập vào các website lạ, không uy tín, các link không rõ ràng.
Đặc biệt lưu ý không nhập OTP để nhận quà khuyến mại vì không ngân hàng nào yêu cầu nhập OTP để nhận quà, kể cả Gpay.
4. Không root hay jailbreak thiết bị của bạn
Việc root điện thoại Android hay jailbreak iPhone sẽ làm suy giảm đáng kể tính năng kiểm tra các ứng dụng được cài lên điện thoại từ cửa hàng ứng dụng của bên thứ ba. Điều này mang đến nhiều nguy cơ cho thiết bị của bạn, nguy hiểm nhất là bị các phần mềm gián điệp đánh cắp thông tin, cài mã độc lên thiết bị. Vì vậy, đừng root hay jailbreak thiết bị của bạn, đặc biệt là với các thiết bị có có chứa thông tin tài chính.
5. Cài đặt và bảo mật bằng mã pin
- Cách đặt mã pin: Mã Pin ứng dụng Gpay nên là mã pin mạnh
- Đổi mã pin thường xuyên: Khuyến cáo khách hàng đổi mã pin ứng dụng Gpay 3 tháng/ lần để đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
- Không nên ghi nhớ mã pin trên trình duyệt: Việc ghi nhớ mật khẩu có thể khiến tài khoản của bạn bị lợi dụng mà bạn không biết. Bạn nên tự đánh mã pin vào mỗi lần đăng nhập. Sau khi hoàn thành giao dịch của mình, hãy thoát ra khỏi ứng dụng Gpay để đảm bảo an toàn tuyệt đối.
6. Hạn chế sử dụng ứng dụng Gpay với Wifi công cộng
Wifi công cộng là loại wifi thường gặp ở các quán cafe, rạp chiếu phim, v.v. Những wifi này thường không yêu cầu mật khẩu để nhiều người có thể truy cập nhanh chóng. Thông qua những mạng wifi không được bảo vệ, nhiều tin tặc dễ dàng lấy cắp thông tin của người sử dụng.
7. Kịp thời xử lý ngay khi mất máy tính, điện thoại
Mặc dù để bị mất tiền từ ứng dụng Gpay thì khả năng là rất thấp, vì bạn cần bị lộ cả username, mật khẩu, và mã OTP. Tuy nhiên để an toàn, bạn cần thay đổi ngay mật khẩu tài khoản ứng dụng Gpay và email nhận thông báo của GPAY nếu mất máy tính, smart phone có cài đặt GPAY. Điều quan trọng nhất sau khi bị mất là liên hệ với nhà cung cấp để khóa số điện thoại ngay khi mất số điện thoại, để kẻ gian không nhận được OTP xác thực giao dịch.
8. Cảnh giác với thủ đoạn chuyển cuộc gọi/chiếm SIM điện thoại
Gần đây, các đối tượng lừa đảo, tội phạm công nghệ cao thực hiện thủ đoạn giả danh nhân viên chăm sóc khách hàng của các nhà mạng, ngân hàng, ví điện tử để hỗ trợ giải quyết sự cố và yêu cầu khách hàng nhắn tin theo cú pháp **21*# hoặc DS gửi 901. Những thủ đoạn này mục đích nhằm chiếm đoạt tiền của khách hàng.
Cú pháp **21*# thực chất là cú pháp chuyển hướng cuộc gọi (Call Forward) - dịch vụ của các nhà mạng như MobiFone, VinaPhone, Vietnamobile cho phép thuê bao di động chuyển hướng cuộc gọi đến một số điện thoại nội mạng hoặc ngoại mạng. Sau khi người dùng gửi thành công tin nhắn đã soạn theo cú pháp trên, mọi cuộc gọi đến thuê bao của người dùng lập tức được chuyển tiếp đến số điện thoại mà đối tượng lừa đảo cung cấp - trong đó có cuộc gọi cung cấp mã xác thực (OTP) từ ngân hàng, ví điện tử.
9. Thủ đoạn hỗ trợ nâng cấp SIM lên SIM 4G, 5G để chiếm đoạt SIM điện thoại
Cú pháp DS gửi 901 là cú pháp đổi SIM điện thoại qua phôi SIM trắng theo phương thức nhắn tin (SMS).
Với chiêu trò lừa đảo rằng giúp người dùng nâng cấp SIM điện thoại thành SIM 4G, 5G, các đối tượng này yêu cầu người dùng nhắn tin theo cú pháp trên. Khi thao tác thành công, người dùng sẽ mất quyền kiểm soát SIM vì SIM của đối tượng lừa đảo trở thành SIM “chính chủ".
Với cả hai thủ đoạn tinh vi trên, các đối tượng lừa đảo dễ dàng chiếm đoạt tài khoản ngân hàng, ví điện tử của nạn nhân bằng cách đăng nhập và chọn tính năng quên “Quên mật khẩu”. Cùng với việc dễ dàng có đủ các thông tin cá nhân kết hợp với cuộc gọi chuyển tiếp thông báo mã xác thực (OTP) hoặc có quyền kiểm soát SIM để nhận mã OTP, đối tượng lừa đảo dễ dàng kích hoạt mật khẩu mới để chiếm đoạt tiền của nạn nhân. Bên cạnh mất tài sản, người dùng còn có nguy cơ phải gánh khoản nợ thay bởi các đối tượng này cũng có thể sử dụng các thông tin có được để vay tiền từ các App, hoặc tổ chức tín dụng.
Tải app miễn phí ngay : https://g-pay.vn/install
Văn phòng giao dịch: Tầng 9, Gold Tower, 275 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội.
4.1 điểm (7 bình chọn)